Dồn dập tín hiệu dự báo năm mới khởi sắc của nền kinh tế

Rất nhiều dấu hiệu tích cực ngay trong ngày đầu, tháng đầu của năm 2024 báo hiệu một năm mới khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam!

Với nhiều dấu hiệu tích cực, kinh tế Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ khởi sắc (ảnh minh họa)

Người Việt thường có câu “đầu xuôi đuôi lọt” để nói về việc khởi đầu suôn sẻ thì kết quả gặt hái được sẽ tốt đẹp hơn. Hiểu theo góc độ logic học, câu này có nghĩa là khi bắt đầu thuận lợi, thành công thì các bước sau sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn. Vì lẽ đó, dựa vào các tín hiệu tốt trong tháng đầu năm 2024, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng về một năm mới khởi sắc và thành công.

Tín hiệu tốt đầu tiên phải kể đến chính là thành công trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos 2024, thăm chính thức Hungrary và Rumani đã thành công rất tốt đẹp. Đây cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong năm mới 2024 của lãnh đạo chủ chốt nước ta, có ý nghĩa quan trọng. Chuyến công tác diễn ra khi Việt Nam đang trở thành một tâm điểm chú ý trên toàn cầu, nhất là sau những thành tựu đối ngoại mang tính lịch sử trong năm 2023 dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tận dụng thành công một cách tối đa những cơ hội quan trọng từ chuyến công tác để thông tin về thành tựu, định hướng của Việt Nam, khẳng định và giúp lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi thông điệp, hình ảnh, vị thế một Việt Nam với cơ đồ, tiềm lực, tầm vóc và uy tín mới. Đồng thời, qua chuyến công tác, đoàn đại biểu Việt Nam còn nắm bắt, tận dụng thời cơ, xu thế mới, thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực có lợi ích thiết thực với WEF, Thụy Sĩ, Hungary, Romania và các đối tác; chia sẻ quan điểm, tầm nhìn về các vấn đề toàn cầu, khẳng định sự tham gia chủ động, tích cực, đóng góp một cách có trách nhiệm của Việt Nam.

Với những thành công đó, chuyến công tác tham dự WEF đã tạo ra một làn gió mới đối với hợp tác đầu tư nước ngoài chất lượng cao, góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Về mặt kinh tế, những ngày đầu năm mới cũng đã ghi nhận nhiều số liệu khả quan với mức tăng trưởng lên đến hơn 50% so với cùng kỳ, thậm chí cao nhất trong các tháng 1 trong vòng nhiều năm trở lại đây. Đơn cử như tính đến ngày 20/1/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMVP), mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này được đánh giá là rất tích cực, bởi tháng 1 năm ngoái, tổng vốn đầu tư đăng ký giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong số này, tổng vốn đăng ký mới đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm trước. Lý giải về mức tăng mạnh này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đó là do số lượng dự án mới tăng nhanh (190 dự án, tăng 24,2%), đồng thời cũng có dự án quy mô đầu tư lớn. Đó chính là dự án đầu tư một khu đô thị lớn ở Hà Nội, với tổng vốn đăng ký hơn 662 triệu USD.

Cùng với đó, theo ghi nhận của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 tăng mạnh cả về số doanh nghiệp lẫn số vốn đăng ký, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 là 13.536 doanh nghiệp (tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023) với số vốn đăng ký thành lập đạt 151.451 tỷ đồng (tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023).

Trong đó, 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023. Những ngành có mức tăng mạnh gồm: Hoạt động dịch vụ khác (tăng 64,4%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 48,7%); Vận tải kho bãi (tăng 44,3%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 34,6%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 31,9%); Giáo dục và đào tạo (tăng 27,0%); Khai khoáng (tăng 25,5%); Xây dựng (tăng 23,2%)…

Một tín hiệu tích cực khác không thể không kể đến là xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nửa đầu tháng 1. Trong kỳ 1 tháng 1/2024 (từ ngày 1/1 đến hết ngày 15/1/2024), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 4,1%; nhập khẩu tăng 6,8%. Cán cân thương mại hàng hóa kỳ 1 tháng 1/2024 sơ bộ xuất siêu 0,38 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,73 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,19 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,57 tỷ USD.

Ngoài ra, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tính tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.

Ở một góc độ khác, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 1/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng khách vẫn chủ yếu đến từ châu Á với hơn 1,1 triệu lượt khách, khách đến từ châu Âu đạt hơn 216 nghìn lượt, khách đến từ châu Mỹ đạt hơn 97 nghìn lượt…

Vừa qua, các tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra rất nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế Việt Nam năm 2024. Cụ thể, cho rằng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024 (dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm). Đây là mức tăng trưởng cao hơn cả chỉ tiêu Quốc hội Việt Nam giao (6-6,5%). Một số tổ chức khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng UOB cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6%.

Từ những tín hiệu tích cực trong những ngày đầu, tháng đầu năm và niềm tin của quốc tế, với sự khởi đầu tốt đẹp, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một năm bứt phá của nền kinh tế Việt Nam.

 


ĐẶT SẢN PHẨM NGAY

Số lượng

Bấm vào đây
Gọi 024.62.66.0000